Chúng ta hay đọc những câu "hãy tìm đúng người, hãy làm đúng việc". Nghe thì có vẻ hợp lý. Nhưng vấn đề là LÀM SAO BIẾT ĐÚNG? Khi mình nói với 1 đứa trẻ đang học cấp 1 cấp 2, "con hãy làm những gì con cho là ĐÚNG và con ĐAM MÊ", nó sẽ chơi game ngày đêm. Vì nó nhận thức, thấy việc chơi game là đúng, là đam mê. Khuyên người non nớt "hãy sống hãy làm theo đam mê" thì còn ác hơn cả thuốc độc vì sẽ chuyển qua sống theo bản năng. Bao nhiêu đứa đã bỏ học bỏ việc nửa chừng vì lý do "nghe mà không hiểu hết" này.
Trên đời làm gì có đúng hay sai tuyệt đối. Không có. Tất cả chỉ là sự phù hợp. Đúng/sai đều có tính thời điểm. Ví dụ, lúc đang yêu, mình thấy sống không thể sống thiếu, cảm giác là "đúng người". Nhưng khi lấy về, sống chung thời gian thì thấy, "chu cha răng mà hắn không đụng nựa". Rồi mọi mâu thuẫn bắt đầu từ ý nghĩa "bực mình vì đã chọn sai", hoặc tiêu cực hơn thì "mi đã lừa ta". Thật ra là bạn chọn đúng người vào thời điểm đó, nhưng đã không còn phù hợp. Nếu cả 2 điều chỉnh thì quan hệ đó sẽ tiếp tục. Bạn thân nhất của chúng ta hồi lớp 3 liệu mấy ai còn thân thiết ở lớp 12? Xưa làm chung công ty, sao mà thấy thân quá thân, giờ làm chỗ khác gặp nhau không biết nói gì. Nếu cả 2 cùng chung 1 con đường, cùng tịnh tiến về nhận thức...thì gắn bó thành tri âm tri kỷ. Còn không, thì đường ai nấy đi. Nhưng chớ theo chủ nghĩa xét lại, lúc đó, mình từng có cảm xúc như thế. Nên trân trọng quá khứ, mình cũng từng có những khoảnh khắc tuyệt vời với họ kia mà.
Tương tự là chuyện "đúng việc". Khó lắm. Khi 18 tuổi, khi chọn nghề, mình thấy đúng, thấy hay. Xong vô học chán, thấy hết đúng hết hay. Chọn nghề khác, lại thấy sai. Rồi chông chênh tuổi 19, chênh vênh tuổi 20, hoang mang tuổi 21, lạc lối tuổi 22,...Có bạn tệ hơn, 30 tuổi vẫn cứ chông chênh lạc lối, không làm ra tiền, không có thành tựu, không biết đi đâu về đâu.
Cá nhân tui, thời khắc đứng trước lựa chọn, tui thấy đúng thì chốt. Nếu sau đó thấy không phù hợp nữa thì tui chẳng trách mình hoặc trách ai. Mình chọn mà, nên thôi, DẤN THÂN chứ không từ bỏ. Khi tập trung thời gian vô 1 cái để làm, để học, thì đầu óc sẽ thấy đúng/sai không quan trọng nữa. Rất nhiều người PHẢI làm việc đó hay học nghề đó vì BẮT BUỘC, xong từ từ tìm được tình yêu với nghề. Rất nhiều hôn nhân mai mối, nhưng khi về sống chung, người ta điều chỉnh nhau, sống cạnh nhau thì yêu thì thương. Tỷ lệ ly hôn ở những nước hôn nhân sắp đặt (ví dụ Ấn Độ) thấp hơn rất nhiều so với hôn nhân tình yêu ở các nước phương Tây, TQ, VN. Ngay cả hôn nhân xuyên quốc gia vì kinh tế, nhưng tỷ lệ ly hôn của họ rất thấp, do người ta bằng lòng mà sống với nhau, điều chỉnh nhau từ từ. Ông bà mình ngày xưa cũng thế. Còn ai yêu nhau tha thiết sống chết rồi cưới, thì chắc các bạn cũng biết rồi, tỷ lệ vỡ mộng rất nhiều. Vì hạnh phúc = sự thật - kỳ vọng (happiness = reality - expectation). Mong đợi lớn quá, mà thực tế thì nhỏ hơn mong đợi, nên sẽ cảm giác bất hạnh. Yêu say đắm, lấy về kỳ vọng là tối nào cũng sẽ âu yếm giao ban, sáng nào cũng sẽ dậy sớm cắm hoa bật nhạc, cuối tuần là dã ngoại du lịch, nhưng thực tế không giống là sẽ thấy SAI ngay. Xong đi lấy người khác nữa, thấy bề ngoài lộng lẫy vậy chứ về chung phòng, khi trôi lớp phấn trang điểm, mặc quần què áo cụt vô, thì "đời sao kém may mắn, lại sai nữa rồi". Có lấy Tom Cruise hay hoa hậu về thì cũng không có "ngon lành cành đào" như mình thấy trên tivi đâu.
Trong công việc cũng vậy. Có những người vừa vô làm đã ghét nhưng vì kiếm sống nên phải làm. Rồi từ từ thấy thích, rồi thăng hoa. Người mà tìm được đam mê liền trong công việc hay ngành học của họ thì vô cùng hiếm hoi. Mình là người bình thường, phải trải qua mấy năm mới hiểu được cái gọi là gốc rễ. Vội vàng bỏ cuộc 1 sớm 1 chiều thì mãi mãi cứ "chông chênh, lạc lối, hoang mang".
Những người có thành tựu, TUYỆT ĐỐI KHÔNG AI CÓ CẢM GIÁC muốn bỏ học bỏ làm. Vì đơn giản là họ dấn thân, TẬP TRUNG CAO ĐỘ. Lúc học là học trối chết, lúc làm là làm điên cuồng. Thời gian ăn ngủ tắm còn không có, ngồi đó mà chông chênh với hoang mang. Não bạn cứ ĐÚNG/SAI cả ngày thì bạn không thể chung sống hay làm việc chung với bất kỳ ai. Ai não nhị nguyên, tức chỉ có 2 khái niệm đúng/sai, trắng/đen... rất khổ tâm và ít có thành tựu, vì cứ bắt buộc tôi đúng thì anh sai, không đen thì trắng, không nằm trong phe này thì phải ở phe kia, không có đáp án khác. Nguồn cơn của mâu thuẫn, bỏ cuộc, bất đồng, cãi vã, tranh chấp, giận hờn, hận thù, chiến tranh..., đều là từ cái não nhị nguyên này.
Bạn ạ. Ngoài trắng, ngoài đen thì có còn màu xám. Ngoài số dương và số âm thì còn có số 0, một con số không âm không dương trong toán học. Ngoài yêu và ghét thì còn có không cảm xúc. Ngoài ngày sáng đêm tối thì có 2 lúc giao thoa là bình minh và hoàng hôn. Không tranh luận với người có não nhị nguyên, tránh đi càng tốt, nhất là trên mạng, không đọc bất cứ chủ để có tranh luận nào, thấy còm tiêu cực gây hấn thì thà block nhầm còn hơn bỏ sót. Làm chung hay sống chung hay có giao du với người não nhị nguyên, trước sau gì cũng sinh chuyện. Muộn phiền bực bội căm ghét là do họ chọn lấy, mình không chọn, không quan tâm những đề tài họ quan tâm.
Mình phải mở lòng mở đầu óc thật nhiều để đón nhận cái mới mẻ, không đóng khung nhận thức đã biết. Vì cái mình biết, chỉ là hữu hạn.
Nguồn: Tony Buổi Sáng