Kiểm tra chuyên ngành

Last Update: 19/03/2024
{toc} $title={Xem nhanh}

Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019

Điều 21. Nguyên tắc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh

1. Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

2. Cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tùy theo yêu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thể chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện một số công việc trong kiểm tra chuyên ngành.

3. Áp dụng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành đối với:

a) Hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực;

b) Hàng hóa đã có kết quả đánh giá sự phù hợp được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Hàng hóa được đưa vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành và đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

a) Có tên gọi chi tiết của hàng hóa kèm mã số HS phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

b) Có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra làm cơ sở để kiểm tra hàng hóa;

c) Có quy định trình tự kiểm tra, thủ tục kiểm tra, thời hạn kiểm tra, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định (nếu có).

5. Hàng hóa được đưa vào Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đáp ứng yêu cầu quản lý hàng hóa trong từng thời kỳ và thuộc một trong các khả năng: gây mất an toàn cao, gây lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

6. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật; kết quả kiểm tra được xem xét để điều chỉnh Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan và đánh giá mức độ tuân thủ của tổ chức, cá nhân để quyết định hình thức, mức độ khi kiểm tra chuyên ngành.

Điều 22. Các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan

1. Các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật, các trường hợp miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Ngoài trường hợp được miễn kiểm tra nêu tại khoản 1 Điều này, còn áp dụng miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các trường hợp sau:

a) Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;

c) Hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế;

d) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

3. Ngoài trường hợp được miễn kiểm tra nêu tại khoản 1 Điều này, còn áp dụng miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với các trường hợp sau:

a) Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế;

c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

4. Các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này không áp dụng trong trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia hoặc có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.

Điều 23. Thông quan hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành

1. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cơ quan hải quan quyết định thông quan sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp hàng hóa được miễn kiểm tra theo quy định tại Điều 22 Nghị định này;

b) Có thông báo kết quả kiểm tra đạt yêu cầu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành;

c) Có thông báo kết quả phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định và được pháp luật chuyên ngành quy định là cơ sở để thông quan hàng hóa.

2. Trường hợp hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan nhưng thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của người khai hải quan hoặc của nước nhập khẩu thì người khai hải quan không phải nộp kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan.

Điều 24. Thông quan hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành

1. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cơ quan hải quan quyết định thông quan sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp hàng hóa được miễn kiểm tra theo quy định tại Điều 22 Nghị định này;

b) Có thông báo kết quả kiểm tra đạt yêu cầu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành;

c) Có thông báo kết quả đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định và được pháp luật chuyên ngành quy định là cơ sở để thông quan hàng hóa.

2. Trường hợp thực hiện thủ tục hành chính về kiểm tra chất lượng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, người nhập khẩu nộp bản đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, không phải nộp bản đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan hải quan theo quy định tại điểm b khoản 2a và điểm b khoản 2b Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018.

3. Trường hợp số lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu nhiều hơn so với số lượng đã khai báo trên tờ khai hải quan nhưng là hàng hóa đồng nhất, cùng nhà nhập khẩu, cùng xuất xứ, cùng nhà sản xuất, được vận chuyển trên cùng phương tiện vận tải, cùng vận tải đơn trừ hàng hóa là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải thì người khai hải quan được sử dụng kết quả kiểm tra chuyên ngành của tờ khai đó để thông quan sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế và quyết định xử lý (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Trách nhiệm của các bên liên quan trong kiểm tra chuyên ngành trước thông quan

Trách nhiệm của người khai hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định, cơ quan kiểm tra chuyên ngành thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định sau đây:

1. Trách nhiệm của người khai hải quan

a) Chỉ được đưa vào lưu thông hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành đạt yêu cầu hoặc được miễn kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan quyết định thông quan;

b) Thực hiện quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chịu mọi chi phí liên quan và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành

a) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra của người khai;

b) Kiểm tra, đánh giá hàng hóa theo yêu cầu của pháp luật chuyên ngành; thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành cho người khai hải quan và cơ quan hải quan;

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với cơ quan có thẩm quyền;

d) Bảo đảm khách quan, chính xác, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; bảo mật kết quả kiểm tra theo quy định của pháp luật;

đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra chuyên ngành;

e) Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc theo dõi, giám sát chủ hàng thực hiện biện pháp khắc phục hàng hóa không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc xây dựng Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, đơn giản hóa thủ tục, phương thức tiếp nhận, xử lý hồ sơ, công khai kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

3. Trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định

a) Thực hiện một số công việc trong kiểm tra chuyên ngành theo phạm vi được chỉ định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan kiểm tra chuyên ngành về kết quả thực hiện;

b) Cung cấp kết quả đánh giá trong thời hạn quy định cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành để làm cơ sở kết luận về việc hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

c) Bảo mật thông tin, số liệu, kết quả đánh giá sự phù hợp, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

d) Lưu mẫu, lưu hồ sơ theo quy định của pháp luật;

đ) Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực

1. Trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực

a) Thực hiện kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành của tổ chức, cá nhân trong kiểm tra chuyên ngành nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;

b) Ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 21 Nghị định này và công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

c) Công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia: danh mục hàng hóa đã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực;

d) Quy định cụ thể và công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia về: cơ quan kiểm tra chuyên ngành; phạm vi công việc được chỉ định trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tiêu chí chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; trình tự, thời gian, cách thức thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành gắn với trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; điều kiện, tiêu chí miễn kiểm tra, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hồ sơ kết hợp kiểm tra thực tế; danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được thừa nhận phục vụ quản lý nhà nước theo điều ước quốc tế; danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định ban hành Thông báo kết quả đánh giá phù hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23, điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định này;

đ) Căn cứ các quy định tại Nghị định này, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ chủ trì ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; trường hợp phát hiện có những quy định trái, mâu thuẫn với Nghị định này thì ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định mã số HS đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 21 Nghị định này để các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành và công bố theo quy định.

Điều 27. Phối hợp trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành

1. Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia chủ trì, phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác lập cách thức, nội dung chia sẻ thông tin, dữ liệu về hàng hóa đã được thông quan nhưng thuộc trường hợp phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này.

2. Cơ quan hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan phát hiện hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành có dấu hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì thông báo cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành lưu ý trong quá trình kiểm tra hàng hóa, không cho đưa hàng về bảo quản.

3. Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, có thông tin về hàng hóa dự kiến nhập khẩu có dấu hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc xác định hàng hóa nhập khẩu cùng chủng loại với mặt hàng bị kiểm tra trong lưu thông không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp, đồng thời thông báo cho cơ quan hải quan không cho đưa hàng về bảo quản.

4. Cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu đối với hàng hóa được đưa về bảo quản, nếu phát hiện hàng hóa nhập khẩu có số lượng, chủng loại không phù hợp với hồ sơ đăng ký kiểm tra chuyên ngành; tự ý tiêu thụ một phần hoặc toàn bộ hàng hóa thì thông báo cho cơ quan hải quan để phối hợp xử lý.

5. Tổ chức đánh giá sự phù hợp nêu tại điểm c khoản 1 Điều 23, điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định này có trách nhiệm tiến hành hoạt động đánh giá sự phù hợp, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật chuyên ngành; gửi kết quả đánh giá sự phù hợp đến người khai hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.