Hồ sơ hải quan

Last Update: 13/03/2024
{toc} $title={Xem nhanh}

Hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan, các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan theo quy định của Luật Hải quan.

Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 

Điều 24. Hồ sơ hải quan

1. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;

b) Chứng từ có liên quan. 

Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

3. Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan. 

Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mẫu tờ khai hải quan, việc sử dụng tờ khai hải quan và chứng từ thay thế tờ khai hải quan, các trường hợp phải nộp, xuất trình chứng từ có liên quan quy định tại khoản 1 Điều này.

 Điều 25. Thời hạn nộp hồ sơ hải quan

1. Thời hạn nộp tờ khai hải quan được quy định như sau:

a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; đối với hàng hóa xuất khẩu gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh thì chậm nhất là 02 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; 

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu; 

c) Thời hạn nộp tờ khai hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật này.

2. Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký.

3. Thời hạn nộp chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan được quy định như sau:

a) Trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan, trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia;

b) Trường hợp khai tờ khai hải quan giấy, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình chứng từ có liên quan khi đăng ký tờ khai hải quan.

 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 

Điều 27. Kiểm tra hồ sơ hải quan

1. Việc kiểm tra hồ sơ hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Hải quan. Thời hạn hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ hải quan thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan.

2. Trong quá trình kiểm tra chi tiết hồ sơ bởi công chức hải quan, nếu phát hiện sự không chính xác, không đầy đủ, không phù hợp giữa nội dung khai hải quan với chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan; có dấu hiệu không tuân thủ chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận, đăng ký tờ khai hải quan xem xét, quyết định việc kiểm tra thực tế hàng hóa.

3. Trường hợp việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện bởi công chức hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét đề nghị của người khai hải quan, quyết định gia hạn thời gian nộp bản chính một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018

Điều 3.  Quy định về nộp, xác nhận và sử dụng các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ thuế

1. Người khai hải quan, người nộp thuế không phải nộp tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là tờ khai hải quan) khi đề nghị cơ quan hải quan thực hiện các thủ tục miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, trừ trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy.

2. Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; hồ sơ khai bổ sung; hồ sơ xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan; thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế; báo cáo sử dụng hàng hóa miễn thuế; hồ sơ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế; hồ sơ đề nghị xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế; hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ; hồ sơ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; hồ sơ đề nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì phải nộp cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Trường hợp theo quy định tại Thông tư này phải nộp bản chính các chứng từ dưới dạng giấy thì bản chính đó phải được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính cho cơ quan hải quan.

Khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan hải quan căn cứ vào các thông tin trên tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp để kiểm tra, đối chiếu và lưu trữ.

3. Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy hoặc chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định là bản chụp thì người khai hải quan, người nộp thuế có thể nộp bản chính hoặc bản chụp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Trường hợp bản chụp hoặc các chứng từ do người nước ngoài phát hành bằng hình thức điện tử, thư điện tử, fax, telex hoặc các chứng từ, tài liệu do người khai hải quan, người nộp thuế phát hành thì người khai hải quan, người nộp thuế phải xác nhận, ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của các chứng từ đó. Trường hợp bản chụp có nhiều trang thì người khai hải quan, người nộp thuế xác nhận, ký tên, đóng dấu lên trang đầu và đóng dấu giáp lai toàn bộ văn bản.

4. Các chứng từ thuộc hồ sơ nêu tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này nếu không phải bản tiếng Việt hoặc tiếng Anh thì người khai hải quan, người nộp thuế phải dịch ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch. Đối với trường hợp nêu tại khoản 3 Điều này, người khai hải quan phải ký tên đóng dấu trên bản dịch.

Điều 16.  Hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan

1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu

a) Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;

b) Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp;

c) Bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 bản chính;

d) Giấy phép xuất khẩu hoặc văn bản cho phép xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật về quản lý ngoại thương đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý theo giấy phép: 

d.1) Nếu xuất khẩu một lần: 01 bản chính;

d.2) Nếu xuất khẩu nhiều lần: 01 bản chính khi xuất khẩu lần đầu.

đ) Giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành hoặc chứng từ khác theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành): 01 bản chính.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.

Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành thì người khai hải quan chỉ nộp 01 lần cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên;

e) Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục xuất khẩu lô hàng đầu tiên;

g) Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác;

Các chứng từ quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e khoản này nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định pháp luật về một cửa quốc gia, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan. 

2. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu

a) Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;

b) Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.

Trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.

Người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại trong các trường hợp sau:

b.1) Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài;

b.2) Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

c) Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hóa mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.

Đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí vận chuyển trên các tàu dịch vụ (không phải là tàu thương mại) thì nộp bản khai hàng hóa (cargo manifest) thay cho vận đơn;

d) Bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 bản chính;

đ) Giấy phép nhập khẩu hoặc văn bản cho phép nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngoại thương và thương mại đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch hoặc văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu: 

đ.1) Nếu nhập khẩu một lần: 01 bản chính;

đ.2) Nếu nhập khẩu nhiều lần: 01 bản chính khi nhập khẩu lần đầu.

e) Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành: 01 bản chính.

Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.

Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành thì người khai hải quan chỉ nộp 01 lần cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên;

g) Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên;

h) Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy. Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC;

i) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

k) Danh mục máy móc, thiết bị trong trường hợp phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam hoặc phân loại máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời: 01 bản chụp và xuất trình bản chính Danh mục máy móc, thiết bị để đối chiếu kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi theo quy định tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC trong trường hợp nhập khẩu nhiều lần;

l) Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, pháp luật về quản lý ngoại thương mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác;

m) Hợp đồng bán hàng cho trường học, viện nghiên cứu hoặc hợp đồng cung cấp hàng hóa hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng: 01 bản chụp.

Các chứng từ quy định tại điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i khoản này nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa ASEAN hoặc Cổng thông tin trao đổi với các nước khác theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan. 

3. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế

Ngoài hồ sơ hải quan quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, người khai hải quan phải nộp:

a) Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam:

a.1) Hợp đồng cung cấp hàng hóa (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân trúng thầu nhập khẩu): 01 bản chụp;

a.2) Hợp đồng ủy thác nhập khẩu (đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác): 01 bản chụp;

a.3) Văn bản xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính (đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách trung ương; các khoản cứu trợ khẩn cấp không có địa chỉ cụ thể, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Điều 15 Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài; viện trợ hàng hóa nhập khẩu cho một số địa phương, nhưng do một tổ chức nhà nước thuộc Trung ương làm đầu mối nhận hàng và phân phối): 01 bản chính;

a.4) Văn bản xác nhận viện trợ của Sở Tài chính (đối với viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách địa phương): 01 bản chính.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại của Việt Nam cho nước ngoài:

b.1) Quyết định của đơn vị chủ quản về việc giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện dự án hoặc quyết định phê duyệt dự án ODA của cơ quan chủ quản dự án trong đó ghi rõ hình thức cung cấp là ODA không hoàn lại: 01 bản chụp;

b.2) Danh mục chi tiết hàng hóa viện trợ cho nước ngoài do đơn vị thực hiện dự án lập: 01 bản chụp;

b.3) Hợp đồng cung cấp hàng hóa đối với trường hợp tổ chức, cá nhân trúng thầu nhập khẩu hoặc hợp đồng ủy thác nhập khẩu hàng hóa đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác: 01 bản chụp.

c) Đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện dự án ODA viện trợ không hoàn lại của Việt Nam cho nước ngoài:

c.1) Quyết định của đơn vị chủ quản về việc giao nhiệm vụ quản lý và thực hiện dự án hoặc quyết định phê duyệt dự án ODA của cơ quan chủ quản dự án trong đó ghi rõ hình thức cung cấp là ODA không hoàn lại: 01 bản chụp;

c.2) Danh mục chi tiết hàng hóa viện trợ cho nước ngoài do đơn vị thực hiện dự án lập: 01 bản chụp;

c.3) Hợp đồng cung cấp hàng hóa cho dự án (trường hợp đơn vị thực hiện dự án không trực tiếp xuất khẩu): 01 bản chụp.

d) Đối với hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng là máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; tàu bay, giàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc đi thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê:

d.1) Hợp đồng bán hàng theo kết quả đấu thầu hoặc hợp đồng cung cấp hàng hóa hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ do cơ sở trúng thầu hoặc được chỉ định thầu hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ ghi rõ không bao gồm thuế giá trị gia tăng: 01 bản chụp;

d.2) Hợp đồng ủy thác nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác ghi rõ không bao gồm thuế giá trị gia tăng: 01 bản chụp;

d.3) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ cho các tổ chức thực hiện chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hoặc hợp đồng khoa học và công nghệ giữa bên đặt hàng với bên nhận đặt hàng thực hiện hợp đồng khoa học và công nghệ đối với máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ: 01 bản chính;

d.4) Hợp đồng ký với bên nước ngoài đối với trường hợp thuê tàu bay, giàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được dùng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê: 01 bản chụp.

đ) Đối với hàng hóa nhập khẩu là vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị giá tăng: 01 bản chính Giấy xác nhận hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho quốc phòng của Bộ Quốc phòng hoặc phục vụ trực tiếp cho an ninh của Bộ Công an;

e) Đối với hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp cho thuê tài chính để cho doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu và hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài đưa trực tiếp vào doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan: 01 bản chụp hợp đồng cho thuê tài chính trong đó nêu rõ bên thuê tài chính là doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan (đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06 tháng 4 năm 2016);

g) Hàng hóa của các nhà thầu nhập khẩu từ nước ngoài đưa trực tiếp vào khu phi thuế quan để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt thiết bị theo kết quả đấu thầu: 01 bản chụp hợp đồng bán hàng vào khu phi thuế quan theo kết quả đấu thầu hoặc chỉ định thầu trong đó, quy định giá trúng thầu không bao gồm thuế nhập khẩu.

4. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Ngoài các chứng từ nêu tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này và quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, người khai hải quan nộp:

a) Danh mục hàng hóa miễn thuế mẫu 06 ban hành kèm Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đáp ứng hoàn toàn việc tiếp nhận Danh mục hàng hóa miễn thuế điện tử, người khai hải quan phải thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế trên Hệ thống.

Trường hợp thông báo Danh mục hàng hóa miễn thuế bản giấy, người khai hải quan xuất trình bản chính và nộp 01 bản chụp Danh mục hàng hóa miễn thuế theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP kèm Phiếu theo dõi trừ lùi đã được cơ quan hải quan tiếp nhận;

b) Hợp đồng đi thuê và cho thuê lại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng phục vụ hoạt động dầu khí; hợp đồng dịch vụ công việc cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí: 01 bản chụp;

c) Hợp đồng chế tạo máy móc, thiết bị hoặc chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động dầu khí để cung cấp cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí trong đó ghi rõ giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế nhập khẩu: 01 bản chụp;

d) Hợp đồng chế tạo máy móc, thiết bị hoặc chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư hoặc để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu: 01 bản chụp.

5. Hồ sơ hải quan đối với trường hợp giảm thuế

Ngoài các chứng từ nêu tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, người khai hải quan phải nộp hồ sơ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

6. Hồ sơ hải quan đối với trường hợp không thu thuế

Ngoài các chứng từ nêu tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này và quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, người khai hải quan phải nộp:

a) Đối với hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại nước ngoài, tái xuất sang nước thứ ba, tái xuất vào khu phi thuế quan:

Công văn đề nghị không thu thuế xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 02 Phụ lục IIa ban hành kèm Thông tư này.

Trường hợp thực hiện hồ sơ giấy, người nộp thuế nộp công văn đề nghị không thu thuế xuất khẩu theo mẫu số 05/CVĐNKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này, trong đó nêu rõ số tờ khai hải quan tái xuất, số tờ khai hải quan nhập khẩu, số hợp đồng, số chứng từ thanh toán (nếu có), cam kết của người nộp thuế về việc hàng hóa chưa qua sử dụng, gia công, chế biến ở Việt Nam: 01 bản chính;

b) Đối với hàng hóa xuất khẩu nhưng phải tái nhập khẩu trở lại Việt Nam:

Công văn đề nghị không thu thuế theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 02 Phụ lục IIa ban hành kèm Thông tư này.

Trường hợp thực hiện hồ sơ giấy, người nộp thuế nộp công văn đề nghị không thu thuế theo mẫu số 05/CVĐNKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này, trong đó nêu rõ số tờ khai hải quan tái nhập, số tờ khai hải quan xuất khẩu, số hợp đồng, số chứng từ thanh toán (nếu có), cam kết của người nộp thuế về việc hàng hóa chưa qua sử dụng, gia công, chế biến ở nước ngoài: 01 bản chính;

c) Đối với các trường hợp hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu được hoàn thuế nhưng người nộp thuế chưa nộp thuế:

Công văn đề nghị không thu thuế theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 02 Phụ lục IIa ban hành kèm Thông tư này.

Trường hợp thực hiện hồ sơ giấy, người nộp thuế nộp công văn đề nghị không thu thuế theo mẫu số 05/CVĐNKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này, trong đó nêu rõ số tiền chi tiết theo từng loại thuế, số chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, số tờ khai hải quan xuất khẩu hoặc nhập khẩu, số hợp đồng xuất khẩu hoặc nhập khẩu, số chứng từ thanh toán (nếu có): 01 bản chính.

Điều 16a.  Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Hồ sơ hải quan người khai hải quan phải lưu giữ gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc văn bản cho phép xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật về quản lý ngoại thương đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý theo giấy phép;

c) Giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành trong trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành được cơ quan hải quan cho phép đưa hàng về bảo quản và Biên bản lấy mẫu có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phải lấy mẫu theo quy định của pháp luật quản lý, kiểm tra chuyên ngành;

d) Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành;

đ) Hợp đồng mua bán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (bao gồm cả hợp đồng gia công, hợp đồng thuê gia công lại, hợp đồng thuê mượn, hợp đồng cho thuê tài chính, hợp đồng sửa chữa, bảo hành và phụ lục hợp đồng, các chứng từ có liên quan đến điều chỉnh, bổ sung hợp đồng) hoặc các chứng từ có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương.

Hợp đồng ủy thác trong trường hợp ủy thác xuất khẩu, ủy thác nhập khẩu;

e) Chứng từ xác nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư;

g) Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán;

h) Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương;

i) Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

k) Bản kê chi tiết hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có bảng kê chi tiết hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

l) Tài liệu kỹ thuật, catalogue, bản phân tích thành phần, chứng thư giám định liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có);

m) Danh mục máy móc thiết bị và Phiếu theo dõi trừ lùi khi khai báo mã số đối với trường hợp phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, 85 và 90 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và trường hợp phân loại máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư số 14/2015/TT-BTC;

n) Sổ, chứng từ kế toán có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về kế toán, bao gồm cả dữ liệu, chứng từ, tài liệu về xuất kho, nhập kho hàng hóa;

o) Báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu và chứng từ, tài liệu, dữ liệu làm cơ sở lập báo cáo quyết toán; định mức sử dụng nguyên liệu, vật tư cho từng mã sản phẩm, sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc quy trình sản xuất, sơ đồ giác mẫu (nếu có), định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu và chứng từ, tài liệu, dữ liệu liên quan đến hoạt động gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu;

p) Hồ sơ, chứng từ có liên quan đến việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC;

q) Hồ sơ khác liên quan đến việc miễn thuế theo quy định tại Điều 5 đến Điều 31 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP; hồ sơ giảm thuế quy định tại Điều 32 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP; hồ sơ hoàn thuế quy định tại Điều 33 đến Điều 37 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Điều 129 Thông tư này; hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định tại Điều 16 Thông tư này; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; nộp dần tiền thuế nợ và xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 134, 135, 136, 140 Thông tư này;

r) Văn bản thông báo kết quả xác định trước về mã số, xuất xứ, trị giá hải quan (nếu có);

s) Hồ sơ liên quan đến việc khai bổ sung, thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 Thông tư này;

t) Hồ sơ liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo quy định tại Điều 86 Thông tư này và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan một lần theo quy định tại Điều 93 Thông tư này;

u) Các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và các văn bản pháp luật khác có quy định.

2. Người khai hải quan chịu trách nhiệm lưu giữ bản chính các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan, thanh tra. Bản chính có thể được thể hiện dưới dạng chứng từ điện tử hoặc chứng từ giấy. 

Trường hợp bản chính dưới dạng chứng từ giấy đã nộp cho cơ quan hải quan, người khai hải quan phải lưu bản chụp. Đối với chứng từ dưới dạng điện tử, người khai hải quan phải lưu bản điện tử.

Trường hợp người khai hải quan là đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả các doanh nghiệp chuyển phát nhanh đã được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan) thì chủ hàng chịu trách nhiệm lưu giữ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Trường hợp chủ hàng là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thực hiện quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu thì đại lý làm thủ tục hải quan chịu trách nhiệm lưu giữ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan.

 2056/TCHQ-GSQL ngày 30/3/2020

Khi kiểm tra hồ sơ hải quan, công chức hải quan căn cứ các thông tin trên tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp thông qua Hệ thống để kiểm tra, đối chiếu;

Trường hợp các chứng từ theo quy định là bản chụp, được người khai hải quan chuyển đổi sang chứng từ điện tử, đã được xác nhận bằng chữ ký số và gửi cho cơ quan hải quan qua Hệ thống thì công chức hải quan không được yêu cầu phải có xác nhận, ký tên, đóng dấu của người khai hải quan trên các chứng từ này;

Công chức hải quan chỉ được yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình chứng từ bản chính dưới dạng giấy theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC để cơ quan hải quan kiểm tra.

6068/TCHQ-GSQL ngày 16/09/2020 Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa là thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Ngoài các chứng từ theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), người khai hải quan phải nộp cho cơ quan hải quan bộ hồ sơ gồm:

1. Hóa đơn thương mại do cơ sở cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại khoản 15 Điều 91 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP): 01 bản chụp;

2. Hợp đồng thương mại ký với cơ sở cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại khoản 15 Điều 91 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP): 01 bản chụp;

3. Giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP đối với doanh nghiệp nhập khẩu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): 01 bản chụp;

4. Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu đối với trường hợp cơ sở cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc là thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam ủy quyền cho đại lý làm thủ tục hải quan hoặc người đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có tên trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu thực hiện việc làm thủ tục nhập khẩu: 01 bản chụp;

5. Hồ sơ nhập khẩu thuốc theo quy định tại Điều 92 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Dược (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ)

Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020

Điều 7. Hồ sơ gỗ nhập khẩu

Khi làm thủ tục Hải quan đối với lô hàng gỗ nhập khẩu, ngoài bộ hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan, chủ gỗ nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai các tài liệu sau:

1. Bản chính bảng kê gỗ nhập khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Một trong các tài liệu sau:

a) Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu cấp; Bản sao giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

b) Trường hợp gỗ nhập khẩu từ quốc gia đã ký kết Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT: Bản sao giấy phép FLEGT xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.

c) Trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu không thuộc quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này: Bảng kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. 

Điều 10. Hồ sơ gỗ xuất khẩu

Khi làm thủ tục Hải quan đối với lô hàng gỗ xuất khẩu, ngoài bộ hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan, chủ gỗ phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai một trong các chứng từ sau:

1. Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

2. Trường hợp gỗ không thuộc Phụ lục CITES: 

a) Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU: Bản chính hoặc bản sao bản điện tử giấy phép FLEGT;

b) Lô hàng gỗ xuất khẩu sang thị trường ngoài EU: 

Trường hợp chủ gỗ là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập. 

Trường hợp chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I: Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Trường hợp chủ gỗ đã hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu lô hàng, nhưng ủy thác cho doanh nghiệp khác để xuất khẩu thì ngoài một trong các chứng từ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, doanh nghiệp nhận ủy thác để xuất khẩu phải gửi kèm theo bản sao hợp đồng ủy thác.